Dòng vốn toàn cầu dịch chuyển, nhà đầu tư Việt lại rơi bẫy tâm lý
Chia sẻ về nguyên nhân giá vàng lao dốc hơn một tuần qua, ông Shaokai Fan, Giám đốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương (không bao gồm Trung Quốc), kiêm Giám đốc Ngân hàng Trung ương Toàn cầu tại Hội đồng Vàng thế giới cho rằng, có hai nguyên nhân chính: USD tăng mạnh sau khi ông Donald Trump tái đắc cử Tổng thống Mỹ; nhà đầu tư dịch chuyển dòng vốn từ vàng sang các kênh đầu tư rủi ro hơn như chứng khoán, tiền mã hóa…
Trước đó, trong quý III/2024, lần đầu tiên trong lịch sử, tổng giá trị nhu cầu về vàng vượt 100 tỷ USD, tăng 35% so cùng kỳ năm ngoái do các khoản đầu tư vào vàng gia tăng mạnh mẽ. Điểm nhấn nổi bật nhất làm cầu vàng tăng mạnh là sự quay trở lại của nhà đầu tư châu Âu với các quỹ ETF vàng. Sau nhiều năm ghi nhận dòng vốn vào âm, các quỹ vàng ETF ghi nhận vốn dương.
Tuy nhiên, yếu tố này có thể không còn thúc đẩy cầu vàng thế giới trong quý IV/2024. Trả lời báo giới, ông Shaokai Fan cho hay: “Chưa có dữ liệu cụ thể, song theo cảm nhận của tôi, từ sau cuộc bầu cử tại Mỹ, các nhà đầu tư châu Âu không còn rót vốn vào các quỹ ETF vàng nữa, mà đã dịch chuyển sang các kênh đầu tư khác”.
Việc giá vàng lao dốc sau bầu cử Tổng thống Mỹ không nằm ngoài dự báo và cũng từng xảy ra ở những lần bầu cử trước đó. Tuy nhiên, theo chuyên gia vàng Trần Duy Phương, việc ông Donald Trump tái đắc cử càng khiến vàng giảm giá, bởi nhà đầu tư tin tưởng vào triển vọng kinh tế dưới thời ông Trump, kéo theo USD tăng giá. Những tuyên bố muốn chấm dứt xung đột chính trị trước đó của ông Donald Trump cũng mang lại kỳ vọng rủi ro địa chính trị sẽ giảm bớt khi chính quyền mới được thành lập, khiến nhà đầu tư không còn lao vào phòng thủ với vàng.
Tại Việt Nam, cầu vàng quý III/2024 giảm 33% so với quý trước, theo thống kê của Hội đồng Vàng thế giới. Theo phân tích của ông Shaokai Fan, cầu vàng Việt Nam giảm một phần do chính sách quản lý siết chặt thị trường, song chủ yếu là do giá vàng đắt đỏ.
“VND quý III/2024 mất giá khá mạnh, tỷ giá tăng khiến vàng đắt đỏ. Trong khi đó, ở một số nước trong khu vực như Thái Lan, baht thậm chí còn tăng so với USD, do đó, giá vàng tuy vẫn tăng theo giá vàng thế giới, song không tăng mạnh như ở Việt Nam. Tỷ giá tăng, giá vàng quá cao là nguyên nhân khiến Việt Nam trở thành ngoại lệ của khu vực trong quý III/2024 khi cầu vàng sụt giảm”, ông Shaokai Fan cho biết.
Theo các chuyên gia, nhà đầu tư Việt Nam chịu ảnh hưởng mạnh bởi yếu tố tâm lý, đổ xô đi mua khi vàng sốt giá và khi giá vàng liên tục giảm, lại đua nhau đi bán, nên thường lâm vào cảnh “mua đỉnh, bán đáy”. Tính đến cuối tuần qua, giá vàng miếng SJC chỉ còn ở mức 83,5 triệu đồng/lượng, giảm gần 8% trong vòng 2 tuần.
Yếu tố tích cực và tiêu cực đan xen, giữ hay bán vàng?
PGS-TS. Nguyễn Hữu Huân (Trường đại học Kinh tế TP.HCM) cho rằng, có nhiều yếu tố tác động đến giá vàng thời gian tới như chính sách kinh tế của chính quyền mới tại Mỹ, các động thái của Fed, sự phi đô-la hóa của khối BRICS (gồm các nền kinh tế mới nổi lớn - Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi)… Bất cứ thay đổi nào trong các yếu tố này đều có thể đẩy giá vàng lên hoặc xuống đáng kể.
Hiện là “điểm mù” thông tin với vàng, khi chính sách của chính quyền mới tại Mỹ chưa rõ ràng, nên rất khó đánh giá diễn biến giá vàng thời gian tới.
Theo ông Shaokai Fan, nhiều yếu tố tiêu cực và tích cực đan xen đang ảnh hưởng đến giá vàng. Các yếu tố tích cực là, các ngân hàng trung ương vẫn đẩy mạnh mua vào, Fed tiếp tục lộ trình giảm lãi suất… Bên cạnh đó, nếu Mỹ tăng thuế nhập khẩu, cùng với căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, thì lạm phát sẽ tăng, tác động tích cực tới giá vàng.
Ở chiều ngược lại, giá vàng cũng đang chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố tiêu cực như USD tăng cao; nhà đầu tư đang dịch chuyển dòng tiền từ vàng sang tài sản rủi ro hơn như chứng khoán, tiền mã hóa (Mỹ có thể có chính sách cởi mở hơn với tiền mã hóa), xung đột địa chính trị sẽ giảm nếu Mỹ có chính sách thân thiện hơn với Nga…
Theo các chuyên gia, giá vàng thế giới có thể giảm về mức 2.500 - 2.550 USD/ounce, sau đó phục hồi trở lại. Mức độ phục hồi ra sao còn tùy thuộc vào chính sách kinh tế của Mỹ.
Với thị trường vàng trong nước, chuyên gia tài chính Phan Dũng Khánh cho rằng, nếu giá vàng tiếp tục giảm, việc mua vàng sẽ dễ thở hơn. Giá vàng thế giới trong ngắn hạn vẫn chịu áp lực giảm, song sẽ không giảm sâu. Dù trong ngắn hạn, đầu tư vàng không hấp dẫn, song về dài hạn, đây vẫn là kênh đầu tư được ưa thích.
Rất khó dự đoán xu hướng giá vàng(Ông Shaokai Fan, Giám đốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương (không bao gồm Trung Quốc), kiêm Giám đốc Ngân hàng Trung ương Toàn cầu tại Hội đồng Vàng thế giới) |