Theo Oryza, sau khi giảm đến 14 USD vào tuần trước, giá gạo 5% của Thái Lan đã tăng lại 6 USD về mức 645 USD/tấn. Đáng chú ý, gạo 5% tấm của Pakistan tuần trước giảm 3 USD nay đã tăng đến 27 USD lên 617 USD/tấn. Gạo cùng phẩm cấp của Việt Nam vẫn đứng yên ở mốc 653 USD/tấn, cao nhất thế giới.
Tương tự, gạo 5% tấm và 25% tấm của Việt Nam vẫn đang ở mức cao nhất thế giới dù giảm 6 USD, xuống còn 618 USD/tấn. Giá gạo 25% tấm của Thái Lan là 581 USD/tấn và Pakistan là 558 USD/tấn.
Thị trường gạo thế giới ấm lại là do nguồn cung thắt chặt trong khi nhu cầu đang ở mức cao. Cụ thể, nguồn cung lớn nhất thế giới là Ấn Độ tiếp tục siết chặt ít nhất cho đến sau cuộc bầu cử vào giữa năm. Bên cạnh đó, nước nhập khẩu lớn là Indonesia cũng chuẩn bị nhập khẩu gạo nhằm ổn định an ninh lương thực trước kỳ bầu cử và đối phó với hiện tượng thời tiết khô hạn vì El Nino. Cơ quan Hậu cần Nhà nước (Bulog) Indonesia cho biết, chính phủ đã đồng ý giao cho cơ quan này nhập khẩu 2 triệu tấn gạo trong năm nay. Trong giai đoạn đầu năm, cũng là mùa lễ hội ở các quốc gia châu Á; điều này cũng khiến nhu cầu tiêu thụ gạo tăng cao hơn so với bình thường.
Tại ĐBSCL, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang thông tin, giá lúa IR 504 ở mức 8.900 - 9.100 đồng/kg; lúa Đài thơm 8 duy trì quanh mốc 9.600 - 9.800 đồng/kg; OM 18 ở mức 9.600 - 9.800 đồng/kg; OM 5451 ở mức 9.500 - 9.700 đồng/kg; Nàng Hoa 9 duy trì ổn định ở mức 9.500 - 9.600 đồng/kg; lúa OM 380 dao động quanh mốc 8.600 - 8.800 đồng/kg.
Với mức giá hiện tại, các doanh nghiệp cho biết, gạo xuất khẩu phải ở mức 700 USD/tấn thì mới có lời. Hiện tại, nguồn cung hạn chế nên không ký mới hợp đồng xuất khẩu mà tập trung làm hàng phục vụ thị trường tết.