Bộ Xây dựng vừa có báo cáo về việc triển khai, thực hiện đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp.
Nhiều địa phương đã tích cực trong việc thu hút đầu tư, thúc đẩy khởi công xây dựng nhà ở xã hội như: Bắc Ninh 15 dự án với 6.000 căn, Bắc Giang 5 dự án với 12.475 căn, Hải Phòng 7 dự án với 11.678 căn, Bình Dương 7 dự án với 6.557 căn...
Tuy nhiên, Bộ Xây dựng cho biết, một số địa phương trọng điểm mặc dù có nhu cầu về nhà ở xã hội rất lớn, nhưng việc đầu tư nhà ở xã hội còn hạn chế so với mục tiêu của đề án đến năm 2025.
Theo đó, Hà Nội chỉ có 3 dự án với 1.700 căn đáp ứng 9% nhu cầu; TP.HCM 7 dự án với 4.996 căn, đáp ứng 19%; Đà Nẵng 5 dự án với 2.750 căn, đáp ứng 43%… Thậm chí, một số địa phương không có dự án nhà ở xã hội khởi công trong giai đoạn từ năm 2021 đến nay như: Vĩnh Phúc, Ninh Bình, Nam Định, Long An, Quảng Ngãi...
Về tín dụng, theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, hiện nay chỉ có 1 chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội được vay vốn với số tiền 125,84 tỉ đồng.
Đối với việc giải ngân nguồn vốn 15.000 tỉ đồng hỗ trợ cho khách hàng cá nhân vay để mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà công nhân, nhà ở của hộ gia đình, theo báo cáo của Ngân hàng Chính sách xã hội, đến nay dư nợ đạt 10.272 tỉ đồng.
Bộ Xây dựng cho rằng, nguyên nhân nguồn vốn hỗ trợ chủ đầu tư dự án chưa thu hút được nhiều nhà đầu tư vay vốn do thời gian thực hiện chương trình chỉ trong 2 năm 2022 - 2023 và lãi suất hỗ trợ thấp (2%/năm). Hiện nay, nguồn vốn hỗ trợ theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ đã hết thời gian triển khai, thực hiện.
Về nguồn vốn hỗ trợ 120.000 tỉ đồng theo Nghị quyết số 33/NQ-CP của Chính phủ, hiện đã có 27 địa phương công bố danh mục 63 dự án đủ điều kiện vay, với nhu cầu hơn 27.966 tỉ đồng. Tính đến thời điểm hiện tại, đã có 5 dự án nhà ở xã hội tại 5 địa phương được giải ngân với số vốn khoảng 416 tỉ đồng.