Theo số liệu của Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội), trong 6 tháng đầu năm 2023, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 72.294 lao động đạt gấp hơn 1,55 lần so với cùng kỳ năm ngoái (6 tháng đầu năm 2022, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 46.578 lao động).
Đặc biệt, chỉ trong 6 tháng, số lao động đi làm việc ở nước ngoài đã đạt 65,72% kế hoạch năm 2023 là xuất khẩu lao động đạt 110.000 lao động.
Nhật Bản là thị trường tiếp nhận nhiều lao động nhất với 34.508 lao động, tiếp đến là Đài Loan (Trung Quốc) 31.538 lao động, Hàn Quốc 1.608 lao động, Trung Quốc 902 lao động, Singapore 727 lao động nam, Hungari 712 lao động, Romania 469 lao động và các thị trường khác.
Chỉ riêng trong tháng 6, có 12.649 lao động đi làm việc ở nước ngoài, trong đó Nhật Bản tiếp nhận 5.995 lao động, Đài Loan (Trung Quốc) 5.337 lao động, Hàn Quốc 398 lao động, Trung Quốc 173 lao động nam, Ba Lan 153 lao động, Hungari 143 lao động, Singapore 83 lao động nam, Liên bang Nga: 78 lao động nam, Malaysia: 60 lao động, Hongkong 54 lao động nam và các thị trường khác.
Ngay trong tháng 6, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Việt Nam Đào Ngọc Dung và Bộ trưởng Việc làm và Lao động Hàn Quốc Lee Jung Sik đã ký và trao Bản Ghi nhớ (MOU) về phái cử và tiếp nhận lao động Việt Nam sang làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài của Hàn Quốc (Chương trình EPS).
Đối với người lao động Việt Nam, Hàn Quốc là thị trường có thu nhập cao, gần gũi về văn hóa nên thu hút nhiều lao động lựa chọn sang làm việc. Thu nhập bình quân của người lao động từ 1.500 - 2.000 USD/tháng. Chương trình EPS mang lại nhiều việc làm có thu nhập cao cho người lao động Việt Nam cũng như đóng góp vào sự phát triển của các doanh nghiệp Hàn Quốc.