Trong năm nay, đầu tư vào điện Mặt Trời trên thế giới dự kiến lần đầu tiên sẽ vượt đầu tư vào dầu mỏ, khi đầu tư vào năng lượng sạch vượt nhiên liệu hóa thạch.
Dự báo này được đưa ra trong báo cáo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) công bố ngày 24/5.
Trong tuyên bố đi kèm với báo cáo mới nhất về đầu tư năng lượng, Giám đốc điều hành IEA Fatih Birol cho biết năng lượng sạch đang phát triển nhanh và điều này được thể hiện rõ qua các xu hướng đầu tư.
Ông Birol đề cập một ví dụ điển hình là đầu tư vào điện Mặt Trời có thể sẽ lần đầu tiên vượt đầu tư vào sản xuất dầu mỏ.
IEA dự báo đầu tư vào điện Mặt Trời, chủ yếu là các tấm quang điện, sẽ đạt 380 tỷ USD trong năm nay, trong khi đầu tư vào thăm dò và khai thác dầu mỏ sẽ là 370 tỷ USD.
Theo báo cáo của IEA, đầu tư vào năng lượng sạch năm 2023 dự kiến tăng 24% so với năm 2021 lên hơn 1.700 tỷ USD. Trong khi đó, đầu tư vào nhiên liệu hóa thạch tăng 15% cùng giai đoạn trên.
Cách đây 5 năm, đầu tư vào năng lượng sạch và nhiên liệu hóa thạch bằng nhau. Nhưng do nhiều yếu tố, đặc biệt là giá dầu và khí đốt cao và mối lo ngại về nguồn cung, đầu tư cho năng lượng tái tạo đã tăng vọt.
Mặc dù đây là sự tiến triển đáng hoan nghênh, nhưng IEA cảnh báo đầu tư vào nhiên liệu hóa thạch đang tăng lên trong khi lẽ ra phải giảm nhanh để đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
IEA cho biết tổng mức đầu tư vào nhiên liệu hóa thạch năm 2023 được dự báo sẽ nhiều hơn gấp đôi con số mà lĩnh vực này lẽ ra được chi vào năm 2030. Trong đó, mức đầu tư vào than đá nhiều gấp 6 lần.
Bên cạnh đó, IEA lưu ý rằng đầu tư vào năng lượng sạch tập trung ở các quốc gia phát triển và Trung Quốc, trong khi đầu tư nhiên liệu hóa thạch tăng mạnh nhất ở các quốc gia Trung Đông.
Ông Dave Jones, Trưởng bộ phận nghiên cứu dữ liệu tại tổ chức tư vấn năng lượng Ember, nhấn mạnh: “Nghịch lý là một số nơi nhiều nắng nhất trên thế giới lại có mức đầu tư vào điện Mặt Trời thấp nhất và đây là vấn đề cần chú ý.”
Cũng theo IEA, đa số các công ty năng lượng lớn không đầu tư nhiều vào quá trình chuyển sang năng lượng xanh.
Chỉ 5% dòng tiền của những công ty này năm ngoái dành cho các dự án thu giữ carbon, năng lượng tái tạo và phát thải ít carbon.