Được khánh thành năm 2015, xa lộ chạy trên sông Tương Tây của Trung Quốc được nhiều người coi là kỳ quan về cơ sở hạ tầng.
Được thiết kế để nối thị trấn Gufuzhen ở quận Xingshan với đường cao tốc chính chạy giữa Thượng Hải và Thành Đô ở phía tây nam Trung Quốc, thoạt nhìn, con đường cao tốc "treo" độc đáo này khiến nhiều người khó hiểu. Tại sao người ta lại xây dựng một xa lộ chạy trên sông - trông giống cây cầu khổng lồ ở giữa dòng Tương Tây, trong khi có thể đặt nó chạy trên bờ, men theo dòng sông?
Trên thực tế, đã có một con đường chạy dọc theo con sông, nghĩa là phương án đó rõ ràng có thể được thực hiện, nhưng vì sao người ta không làm như vậy?
Hóa ra, việc xây một đường cao tốc xuyên qua vùng núi phức tạp như ở thung lũng sông Tương Tây khó hơn người ta vẫn tưởng. Theo đó, nếu tạo nên một xa lộ trên bờ, người ta sẽ phải khoan nhiều đường hầm xuyên núi, di dời dân cư đang cư trú bên bờ sông, đốn hạ cây cối... và gây ảnh hưởng đến hệ sinh thái động thực vật địa phương.
Tất cả những tính toán giữa hai phương án, các kỹ sư đã chỉ ra rằng việc xây dựng một tuyến đường trên cao chạy theo khu vực giữa sông là tối ưu nhất - vừa rẻ vừa nhanh hơn so với hoạt động xây dựng trên mặt đất. Thêm vào đó, xa lộ chạy trên sông này cũng hạn chế các xáo trộn đối với môi trường và đời sống cư dân.
Tất nhiên, việc xây dựng một xa lộ chạy trên sông dài 4,4 km bám theo những khúc cua của sông Tương Tây có giá không hề rẻ, nhưng nó tốt hơn nhiều so với những giải pháp còn lại. Theo công bố, con số 440 triệu nhân dân tệ (71 triệu USD) chi phí xây dựng đường vẫn ít hơn nhiều lần so với chi phí xây dựng một đường cao tốc trên mặt đất.
Hơn thế, xa lộ chạy trên sông này còn rút ngắn thời gian chạy xe từ Gufuzhen đến đường cao tốc chính, vốn tốn hơn một giờ xuống chỉ còn khoảng 20 phút.
Đặc biệt, qua 8 năm kể từ khi khánh thành, xa lộ chạy trên sông của Trung Quốc đã phần nào trở thành một điểm thu hút khách du lịch, với hàng triệu người đến Hồ Bắc để trải nghiệm việc lái xe giữa sông và ngắm nhìn phong cảnh ngoạn mục hai bên bờ.