Cuốn sách mô hình 3D “Một vòng Hoàn Kiếm” ra đời từ sự kết hợp giữa “học và hành” của các học sinh Hà Nội, như một mảnh ghép nhỏ xinh vào "Trái tim hồng" Thủ đô.
Theo đó, thông qua dự án mở “Hà Nội ơi! Một trái tim hồng” của môn học Giáo dục Địa phương (theo chương trình GDPT mới), cùng nhiệm vụ thực hiện sản phẩm quảng bá văn hóa địa phương, các học sinh Chi đoàn A6 khóa 62 trường THPT Trần Phú - Hoàn Kiếm đã chọn và cùng thực hiện thủ công cuốn sách mô hình khổ lớn giới thiệu về những di tích lịch sử thuộc quận Hoàn Kiếm. Dự án được bắt đầu thực hiện từ tháng 5/2023.
Theo đó, “Một vòng Hoàn Kiếm” được thực hiện thủ công, giới thiệu chắt lọc và khái quát về 7 địa điểm lịch sử của Hà Nội.
Bên cạnh các thông tin cơ bản được chọn lọc, điểm nhấn và cũng là linh hồn của cuốn sách này là những trang sách 3D, nổi lên những hình ảnh được vẽ bằng tay minh họa những địa điểm lịch sử mà cuốn sách đề cập. Trong số những “địa chỉ đỏ” này, đáng chú ý là những hình ảnh thủ công công phu về ngôi nhà 48 Hàng Ngang - nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh soạn thảo Bản Tuyên ngôn độc lập năm 1945.
Đáng nói là, các em học sinh đã có sự năng động và sáng tạo, vận dụng kiến thức công nghệ của thời đại 4.0 để tích hợp mã QR vào sách. Khi có nhu cầu tìm hiểu sâu hơn, các độc giả kiêm “du khách” có thể dễ dàng truy cập vào đường dẫn video giới thiệu về địa chỉ đó để trải nghiệm liền mạch hơn. Được biết, các video này do chính nhóm tác giả tự tìm hiểu, thu âm, dựng hình… Điều này giúp nới rộng không gian và kéo dài vòng đời cho cuốn sách chứ không bị giới hạn bởi khuôn khổ một ấn phẩm.
Chia sẻ về quá trình thực hiện dự án này, bạn Nguyễn Ngọc Hiền An - đại diện nhóm tác giả - cho biết: “Không chỉ dừng ở việc “trả bài” thông thường đối với một môn học, mà thông qua dự án này, chúng em còn kỳ vọng lan tỏa tình yêu Hà Nội và lớn lao hơn là tình yêu Tổ quốc tới các bạn trẻ. Từ đó, góp phần tạo động lực, gia tăng niềm hứng khởi cho các bạn bè khi tìm hiểu về Lịch sử đất nước. Đồng thời, cũng qua đây, chúng em muốn phần nào thể hiện sự sáng tạo, năng động của học sinh Thủ đô”.
Bổ sung thêm, Lê Nguyễn Quỳnh Nga - thành viên của nhóm - cho biết: “Mặc dù là cuốn sách thủ công, tập trung vào công việc cắt dán, trang trí hình ảnh..., song việc khó khăn nhất với chúng em là quá trình biên tập thông tin. Để có được những nội dung tóm gọn, chắt lọc như hiện nay, chúng em đã sưu tầm nhiều thông tin từ các nguồn báo chí, đồng thời cũng trực tiếp tới các địa điểm để nguồn dữ liệu thêm chính xác. Tuy nhiên, việc tổng hợp được khá nhiều thông tin từ các nguồn khác nhau khiến chúng em hơi rối trong việc sắp xếp nội dung khi soạn thảo. Mỗi khi gặp điểm "khúc mắc", cả nhóm lại họp để chia sẻ cụ thể về thông tin nhận được, cùng nhau phân tích, đối chiếu, so sánh... để chốt được những phần nội dung cô đọng và thông tin cần thiết nhất”
Được biết, để xây dựng khung cho sách “Một vòng Hoàn Kiếm”, các em đã được các thày cô bộ môn chỉ dạy trong nhiều tiết, cung cấp nhiều thông tin về lịch sử, văn hóa, con người Hà Nội.... Cùng đó, các thày cô đã tạo điều kiện, mang tới cho các em những tài liệu tham khảo về các cách thức quảng bá du lịch Hà Nội, gợi ý cho các em những nội dung có thể khai thác như địa danh, thắng cảnh, ẩm thực hay trang phục truyền thống, từ đó gợi mở những ý tưởng sáng tạo cho các em học sinh.
Thầy Đỗ Văn Nam - Bí thư Đoàn trường THPT Trần Phú - Hoàn Kiếm tự hào: “Cuốn sách của các em quả thực rất sáng tạo, độc đáo, bắt mắt và ý nghĩa, không chỉ thể hiện sự năng động của học sinh Trần Phú - Hoàn Kiếm mà còn thể hiện tình yêu Tổ quốc, tinh thần học tập, phát huy sự hứng thú với lịch sử nước nhà..."
Có thể nói, tuy chưa chuyên nghiệp và dày dặn, nhưng cuốn sách này phần nào chứng minh sự cần thiết và ý nghĩa của môn học Giáo dục địa phương trong chương trình giáo dục phổ thông mới. Qua đó, nâng cao sự hiểu biết của học sinh về thành phố, địa phương mà các em đang sinh sống, tiến tới mở rộng kiến thức xã hội về các lĩnh vực liên quan như lịch sử, địa lý, các vấn đề kinh tế - dân cư…
Kỳ vọng rằng, đây không chỉ là một “công trình nhỏ” thể hiện sự sáng tạo, khéo léo và năng động của các học sinh THPT, mà còn là những tiếng nói tuy non trẻ nhưng đầy chủ kiến về các vấn đề xã hội của học sinh Thủ đô trong tương lai. Cũng qua đây, mong rằng bộ môn Giáo dục địa phương tại nhiều Tỉnh, Thành trên cả nước sẽ “gặt hái” thêm được nhiều thành phẩm dày dặn, tinh hoa hơn nữa trong năm học mới.