Người lao động tại doanh nghiệp, cán bộ, công chức được vay gói 120.000 tỷ đồng mua nhà ở xã hội

Người lao động tại doanh nghiệp, cán bộ, công chức được vay gói 120.000 tỷ đồng mua nhà ở xã hội
Cùng với một số đối tượng ưu tiên, những người có thu nhập thấp, thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo tại khu vực đô thị; người lao động đang làm việc tại doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp; cán bộ, công chức, viên chức... là những đối tượng được vay vốn mua nhà xã hội từ gói 120.000 tỷ đồng.

Bộ xây dựng vừa có công văn 1551/BXD-QLN năm 2023 hướng dẫn về xác định danh mục dự án, đối tượng, điều kiện, tiêu chí vay gói tín dụng 120.000 tỷ đồng phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư.

Theo đó, các đối tượng được vay gói tín dụng 120.000 tỷ đồng phát triển nhà ở xã hội gồm 2 nhóm.

Nhóm thứ nhất là cá nhân. Theo đó, đối với trường hợp mua nhà ở xã hội, nhà ở xã hội tại khu công nghiệp (nhà ở công nhân), đối tượng được vay gồm: Người có công với cách mạng theo quy định về ưu đãi người có công với cách mạng; những người có thu nhập thấp, thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo tại khu vực đô thị; người lao động đang làm việc tại doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân trong các cơ quan, đơn vị thuộc quân đội nhân dân và công an nhân dân; cán bộ, công chức, viên chức; những đối được đã trả lại nhà ở công vụ theo khoản 5 Điều 81 Luật Nhà ở hiện hành; cá nhân, hộ gia đình bị thu hồi đất thuộc diện bị giải tỏa, phá dỡ nhà ở mà chưa được Nhà nước bồi thường bằng nhà ở, đất ở.

Đối với trường hợp mua nhà ở thuộc các dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư, chủ sở hữu nhà chung cư sẽ được bố trí tái định cư mà phải nộp thêm khoản tiền chênh lệch diện tích thì được vay vốn tại các tổ chức tài chính, tổ chức tín dụng hoạt động tại Việt Nam.

Nhóm thứ hai, đối tượng là chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, dự án nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư theo quy định về nhà ở.

Cũng theo quy định, bên cạnh việc phải đảm bảo các điều kiện, tiêu chí theo pháp luật về tín dụng, các đối tượng được vay gói tín dụng 120.000 tỷ đồng về phát triển nhà ở xã hội còn phải đáp ứng được các tiêu chí và điều kiện.

Cụ thể, đối với đối tượng là cá nhân: Trường hợp mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân phải có hợp đồng mua nhà ở xã hội với chủ đầu tư.

Đối với đối tượng được bố trí nhà ở tái định cư trong dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư thì phải có hợp đồng mua nhà ở, công trình tái định cư theo quy định pháp luật.

Đối với đối tượng là chủ đầu tư dự án: Đối với dự án xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân phải được cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư theo quy định pháp luật; đã có quyết định giao đất hoặc có quyền sử dụng đất, đồng thời đã hoàn thành việc bồi thường, giải phóng mặt bằng; đã được cấp phép xây dựng hoặc thuộc trường hợp được miễn cấp phép theo quy định pháp luật về xây dựng.

Đối với dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư: đã có chấp thuận chủ trương đầu tư của cơ quan nhà nước; các thông tin khác theo quy định của pháp luật có liên quan.

Trước đó, ngày 1/4, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã có Văn bản số 2308/NHNN-TD gửi các ngân hàng thương mại (NHTM), NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố hướng dẫn một số nội dung và yêu cầu triển khai Chương trình cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ theo Nghị quyết số 33/NQ-CP của Chính phủ.

Theo đó, đối tượng vay vốn của Chương trình là pháp nhân, cá nhân đầu tư dự án và mua nhà ở tại các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ thuộc danh mục dự án do Bộ Xây dựng công bố theo quy định, gồm: khách hàng là chủ đầu tư đầu tư dự án (chủ đầu tư) và khách hàng là người mua nhà ở tại dự án (người mua nhà).

Về nguyên tắc cho vay, khách hàng phải đáp ứng các điều kiện được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ theo quy định của pháp luật và các văn bản hướng dẫn của Bộ Xây dựng; đáp ứng các điều kiện vay vốn theo quy định của pháp luật.

Mỗi người mua nhà chỉ được tham gia vay vốn theo quy định tại chương trình này 1 lần để mua 1 căn hộ tại dự án thuộc danh mục dự án do Bộ Xây dựng công bố theo quy định. Mỗi dự án của chủ đầu tư chỉ được tham gia vay vốn theo quy định tại Chương trình này 1 lần.

Thời hạn giải ngân của chương trình đến khi doanh số giải ngân đạt 120.000 tỷ đồng nhưng không quá ngày 31/12/2030.

Thời gian áp dụng mức lãi suất cho vay ưu đãi đối với chủ đầu tư là 3 năm và đối người mua nhà là 5 năm kể từ ngày giải ngân nhưng không quá thời hạn cho vay tại thỏa thuận cho vay ban đầu.

Về lãi suất cho vay trong thời gian ưu đãi, lãi suất cho vay áp dụng đến hết ngày 30/6/2023 là 8,7%/năm đối với chủ đầu tư và 8,2%/năm đối với người mua nhà. Kể từ ngày 1/7/2023, định kỳ 6 tháng, NHNN thông báo lãi suất cho vay trong thời gian ưu đãi cho các NHTM tham gia chương trình.

Khi hết thời gian ưu đãi, lãi suất cho vay do NHTM và khách hàng tự thỏa thuận, thống nhất, đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật và được xác định rõ hoặc nêu rõ cách xác định tại thỏa thuận cho vay ký kết giữa ngân hàng và khách hàng.

Sau hướng dẫn của NHNN, đến thời điểm hiện tại đã có 2 ngân hàng Agribank và Vietcombank công bố thông tin về việc triển khai gói tín dụng này đối với nhà ở xã hội.

Có thể bạn quan tâm