Dự kiến năm nay, PVN sẽ cấp 5,87 tỉ m³ khí thiên nhiên cho sản xuất điện, vượt 104,8% so với kế hoạch của Bộ Công thương.
Mua thêm khí từ dự án liên doanh với Malaysia
Theo PVN, sử dụng khí thiên nhiên để sản xuất điện, đạm và cho sản xuất công nghiệp đã rất phổ biến ở Việt Nam. Đây là nguồn năng lượng sạch, giúp các nhà sản xuất tiết kiệm chi phí, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và cũng là một loại hàng hóa đặc thù, được khai thác hầu hết từ các mỏ khí ở vùng thềm lục địa Việt Nam.
Sau khi khai thác, khí thiên nhiên được vận chuyển theo đường ống dẫn khí về bờ, phân phối đến khách hàng gồm các nhà máy điện, đạm, khách hàng công nghiệp tập trung ở khu vực Đông Nam bộ và Tây Nam bộ.
Theo đó, PVN cho rằng để phát triển và đưa các mỏ khí vào khai thác đòi hỏi phải phát triển đồng bộ đường ống dẫn khí, hệ thống khách hàng tiêu thụ và tốn nhiều năm để chuỗi dự án có thể hoàn thành.
Trong kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện quốc gia trên toàn quốc năm 2023 được Bộ Công thương ban hành tại Quyết định số 2976/QĐ-BCT ngày 30.12.2022, sản lượng điện sản xuất từ khí thiên nhiên chiếm khoảng 10,4% tổng sản lượng điện. PVN và các bên trong hệ thống khí sẽ cung cấp khoảng 5,6 tỉ m³ khí (khu vực Đông Nam Bộ khoảng 4,3 tỉ m³ và Tây Nam bộ khoảng 1,3 tỉ m³).
Trên thực tế, nhu cầu huy động khí cho sản xuất điện quý 1 thấp, đến hết tháng 4, lượng khí huy động cho các nhà máy điện chỉ đạt 96% so với kế hoạch của Bộ Công thương giao.
Trước tình hình nhu cầu phụ tải hệ thống điện tăng cao, PVN và các bên trong hệ thống khí đã phối hợp thực hiện các giải pháp kỹ thuật để tăng cường tối đa lượng khí thiên nhiên khai thác trong nước. Đồng thời, PVN đã thống nhất với Petronas để mua toàn bộ lượng khí khai thác từ cụm mỏ PM3-CAA với Malaysia nhằm gia tăng lượng khí cung cấp cho sản xuất điện trong nước.
Với các nỗ lực nêu trên, dự kiến năm nay tập đoàn này sẽ cung cấp khoảng 5,87 tỉ m³ khí thiên nhiên cho sản xuất điện (gồm 4,55 tỉ m³ khu vực Đông Nam bộ và 1,32 tỉ m³ ở khu vực Tây Nam bộ), vượt 104,8% kế hoạch của Bộ Công thương.
PVN cũng cho rằng công suất huy động các nhà máy điện khí cao nhất chỉ chiếm khoảng 12% trong tổng công suất các nguồn điện được huy động. Để đảm bảo hoàn thành kế hoạch cung cấp điện của Bộ Công thương, các nhà chỉ huy điều hành hệ thống sản xuất, truyền tải, phân phối điện năng… phải huy động các nguồn điện khác như điện than, thủy điện, năng lượng tái tạo…
Phải đảm bảo an ninh lương thực
Theo thông tin từ PVN, từ năm 2006 đến nay, các nhà máy đạm ở Đông Nam bộ và Tây Nam bộ sử dụng nguồn khí thiên nhiên làm nguyên liệu đầu vào cho sản xuất và không có nguyên liệu thay thế.