Cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang lại nhiều cơ hội và thách thức cho nhân loại, đặc biệt thách thức đối với các nhà hoạch định chính sách tại các quốc gia. Trong đó, sự phổ biến nhanh chóng về tài sản số đã mở ra các hoạt động kinh tế mới. Hiện tượng này đang đặt ra những vấn đề chưa từng có đối với các tiêu chuẩn, quy định về tài sản, thị trường tài chính, thuế và yêu cầu quản lý.
Mục tiêu nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn của pháp luật về quản lý tài sản số tại Việt Nam, nhằm cung cấp thêm các thông tin, phục vụ cho Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Pháp luật và các cơ quan của Quốc hội thực hiện thẩm tra các dự án liên quan trong thời gian tới. Viện Quy hoạch và phát triển tổ chức hội thảo “Hoàn thiện chính sách, pháp luật về tài sản số trong bối cảnh Việt Nam đang chủ động, tích cực tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư,” ngày 15/7.
Tài sản số trở nên phổ biến
Tại hội thảo, nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Viện trưởng Viện Quy hoạch và Phát triển-Đặng Huy Đông, nhấn mạnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đưa tới một nền công nghệ đột phá với những lĩnh vực mới, từ chuỗi khối (blockchain), trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (big data), robot, Internet kết nối vạn vật (IoT), điện toán đám mây, khoa học vật liệu, sinh học, công nghệ di động không dây, công nghệ nano, tự động hóa, công nghệ in 3D...
Cuộc Cách mạng cũng gắn liền với sự xuất hiện của các sản phẩm, dịch vụ và mô hình kinh doanh mới dựa trên việc ứng dụng các công nghệ số, như fintech, kinh tế nền tảng, kinh tế chia sẻ... Trên đà đó, tài sản số đã phát triển nhanh chóng và trở nên phổ biến trong đời sống, kinh tế-xã hội.
Ông Đặng Huy Đông chia sẻ tại Việt Nam, công nghệ chuỗi khối (blockchain) được xác định là một trong những công nghệ hàng đầu trong danh mục công nghệ ưu tiên nghiên cứu, phát triển và ứng dụng để chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Tuy nhiên, pháp luật Nhà nước hiện hành chưa công nhận quyền sở hữu đối với tài sản số. Trong khi, hoạt động giao dịch và khai thác tài sản số vẫn diễn ra một cách sôi động trong làn sóng phát triển mạnh mẽ của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Do đó, ông Đông khuyến nghị công tác xây dựng pháp luật của Việt Nam cần chủ động nắm bắt các xu hướng phát triển mới, nhằm tạo dựng hành lang pháp lý thuận lợi, làm “bà đỡ” cho các hiện tượng, quan hệ pháp lý mới phát sinh, phát triển.
“Pháp luật phải phục vụ cho việc khai thác các tiềm lực vượt trội của doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo đồng thời góp phần tạo hiệu ứng lan tỏa tinh thần khởi nghiệp sáng tạo, ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ sang cộng đồng doanh nghiệp nói chung,” ông Đông nói.
Theo báo cáo nghiên cứu từ Công ty Nghiên cứu Thị trường Statista, doanh thu trên tài sản kỹ thuật số thị trường toàn cầu ước đạt 56,4 tỷ USD vào năm 2023. Với tốc độ tăng trưởng dự kiến 16%/năm (giai đoạn 2023-2027), doanh thu trên thị trường sẽ đạt 102,7 tỷ USD vào năm 2027. Trong đó, thị trường Mỹ đạt doanh thu cao nhất khoảng 27,4 tỷ USD vào năm 2023. Và, Việt Nam xếp thứ 11 với 6,1% dân số trong tốp 20 quốc gia có tỷ lệ dân số sở hữu tiền mã hóa cao nhất trong năm 2021.
Sản phẩm trên thị trường chứng khoán
Đối với tài sản ảo, tài sản mã hóa, tiền mã hóa, bà Phạm Hồng Hạnh, Vụ kinh tế-Văn phòng Quốc hội, cho rằng Việt Nam cần có cơ chế thử nghiệm để kiểm soát và bảo đảm thận trọng trong công tác quản lý Nhà nước.
Do vậy, bà Hạnh kiến nghị trong thời gian tới của các bộ, ngành cần tập trung nghiên cứu hoàn thiện pháp luật về tài sản, hợp đồng, quyền sở hữu và các vấn đề khác có liên quan của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Những nghiên cứu, ứng dụng công nghệ blockchain trong công tác quản lý Nhà nước của Bộ Tư pháp, cần tập trung trong một số lĩnh vực, như đăng ký hộ tịch, đăng ký giao dịch bảo đảm. Thêm vào đó, các cơ quan chức năng cần nghiên cứu xây dựng Nghị định về huy động vốn qua phát hành tài sản mã hóa (ICO/ITO hay STO) và Nghị định về sàn giao dịch tài sản mã hóa là chứng khoán.
Theo bà Hạnh, việc nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện pháp luật về thuế nhằm khuyến khích các hoạt động ứng dụng, phát triển các thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trong đó có công nghệ blockchain. Điều này góp phần đảm bảo thu đúng, thu đủ thuế thu nhập của các doanh nghiệp và cá nhân hưởng lợi từ các công nghệ này.
Bên cạnh đó, công tác quản lý Nhà nước nghiên cứu, ứng dụng công nghệ blockchain trong quản lý thuế, chứng khoán, xây dựng khung thể chế quản lý thử nghiệm (Regulatory Sandbox) cho hoạt động công nghệ tài chính (Fintech) trong lĩnh vực ngân hàng, sửa đổi, bổ sung các chính sách, quy định liên quan đến chữ ký số, định danh và xác thực điện tử.
Trong lĩnh vực ngân hàng, bà Trần Thị Kim Thoa, Vụ Kinh tế-Văn phòng Quốc hội, cho biết khuôn khổ pháp lý về tiền điện tử tại Việt Nam còn một số hạn chế. Văn bản quy phạm pháp luật về tiền điện tử hiện nay chưa theo kịp với những thay đổi của thực tiễn và thông lệ quốc tế. Bên cạnh đó, bản chất về tiền điện tử chưa rõ để có cơ sở xác định phạm vi và đối tượng chịu sự quản lý. Cộng thêm, việc quy định quản lý, giám sát cụ thể đối với hoạt động cung ứng tiền điện tử còn thiếu đồng bộ.
Từ thực tiến đó, bà Thoa cho rằng cần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về quản lý tiền điện tử theo hướng làm rõ khái niệm, bản chất và hình thái biểu hiện. Từ đó, xác định phạm vi, đối tượng và cơ chế quản lý, giám sát hoạt động cung ứng tiền điện tử. Đây là yêu cầu cần thiết để đáp được xu thế phát triển của thanh toán điện tử, bảo đảm thực hiện tốt vai trò quản lý Nhà nước và thông lệ quốc tế.
Tại hội thảo, ông Bùi Xuân Phú, Trưởng phòng Nghiên cứu và Phát triển, Công ty Phát triển Công nghệ Trí tuệ Việt đề xuất một số giải pháp thúc đẩy ứng dụng blockchain. Trong đó, Chính phủ cần tạo ra một môi trường pháp lý rõ ràng và thân thiện. Đây là cơ sở để thúc đẩy sự ứng dụng của công nghệ blockchain trong quản lý tài sản số. Hơn nữa, điều này cũng giúp tăng tính bảo đảm, tin cậy và sự chấp nhận của các bên liên quan.
Theo ông Phú, việc xây dựng một hạ tầng công nghệ blockchain mạnh mẽ và tin cậy là một yếu tố quan trọng để thúc đẩy ứng dụng của công nghệ này trong quản lý tài sản số. Hạ tầng này bao gồm các nút mạng, giao thức mạng và các công cụ hỗ trợ khác để xử lý và lưu trữ thông tin liên quan đến tài sản.
Mặt khác, một hệ thống chuỗi cung ứng và quản lý tài sản số toàn diện trên nền tảng blockchain sẽ giúp tăng tính minh bạch, giảm thiểu rủi ro, từ đó tạo ra sự tin cậy cho việc giao dịch và quản lý tài sản. Theo đó, các bên liên quan có thể theo dõi và xác minh thông tin về tài sản từ khi xuất xưởng cho đến khi đến tay người sử dụng cuối cùng.
Để thúc đẩy ứng dụng blockchain trong quản lý tài sản số, Chính phủ cần có chính sách tăng cường hợp tác và giao tiếp giữa các bên liên quan như các doanh nghiệp, tổ chức Chính phủ, các nhà cung cấp dịch vụ và người dùng cuối. Việc chia sẻ thông tin và tạo ra các tiêu chuẩn chung giúp tăng tính tương thích và khả năng kết nối giữa các hệ thống.
“Lưu ý, trong quản lý tài sản số, an ninh và bảo mật là yếu tố quan trọng. Vì vậy, các giải pháp như mã hóa dữ liệu, xác thực đa yếu tố và giám sát liên tục phải được triển khai để bảo vệ tài sản và thông tin liên quan trên blockchain khỏi các mối đe dọa và tấn công. Để thúc đẩy ứng dụng của công nghệ blockchain trong quản lý tài sản số, Việt Nam cũng cần tăng cường nhận thức, đào tạo về công nghệ này cho cộng đồng kinh doanh và công chúng,” ông Phú nói.