Như đã đưa, ngày 7/9, Ngân hàng Nhà nước đã phát đi thông cáo cho biết đã thực hiện điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng (room) tín dụng năm 2022 đối với các tổ chức tín dụng có đề nghị và có thông báo gửi các tổ chức tín dụng này.
ROOM CHƯA ĐẠT KỲ VỌNG
Báo cáo cập nhật chính sách tiền tệ mới đây của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết, có chưa đến một nửa số lượng ngân hàng được cấp hạn mức tín dụng mới và mức điều chỉnh cũng có sự phân hóa.
Cụ thể, nhóm ngân hàng thương mại được cấp hạn mức cao vào đầu năm (15%) tiếp tục nhận được một hạn mức lần hai cao có Vietcombank, MB và HDBank.
Nhóm ngân hàng thương mại được cấp hạn mức tín dụng 10% vào đầu năm có sự phân hóa, Sacombank nhận hạn mức lần hai cao nhất, theo sau là OCB, VIB và ACB, trong khi đó, nhóm còn lại nhận được hạn mức tín dụng thấp hơn đáng kể hoặc không được nới thêm.
Một số ngân hàng nhận hạn mức tín dụng thấp vào đầu năm (7%) cũng nhận được một dư địa khá trong đợt nới room tín dụng lần này như Agribank (3,5%) hay SHB (3,2%).
Công ty Chứng khoán SSI cho rằng trong đợt điều chỉnh lần này, dù được chấp thuận về hạn mức tín dụng tăng thêm nhưng mức này vẫn là khá thấp so với các kỳ vọng của thành viên trên thị trường. Mức tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống ước tính sẽ tăng thêm khoảng 2%.
"Với dư địa còn lại, nhiều khả năng Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục điều chỉnh hạn mức tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng thương mại vào cuối năm nay", nhóm nghiên cứu tại SSI nói.
TÌM THÊM VỐN TRÊN THỊ TRƯỜNG TRÁI PHIẾU
Tuy nhiên, chia sẻ tại một hội thảo gần đây, TS. Võ Trí Thành, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, cho rằng thậm chí nếu có đợt điều chỉnh room cuối năm thì mức tăng trưởng tín dụng 14% năm nay cũng không đủ để đáp ứng hết nhu cầu vốn của doanh nghiệp.
Cũng theo ông Thành, Chính phủ đang muốn thực thi chính sách đa mục tiêu. Dù chưa hài lòng với mức tăng trưởng kinh tế hiện nay nhưng thực tế không nhiều quốc gia có tốc độ tăng trưởng cao như Việt Nam năm nay. Trái lại, về tổng thể kinh tế vĩ mô vẫn giữ được ổn định, lạm phát chưa cao, lãi suất có tăng lên ở mặt huy động nhưng cho vay chỉ tăng thấp, tốc độ mất giá của Đồng Việt Nam cũng thấp hơn nhiều so với các quốc gia khác…
"Lẽ đó, mọi năm Ngân hàng Nhà nước có thể thoái mái nới “room” tín dụng trong những tháng cuối năm, nhưng năm nay thì khó để thực hiện. Thách thức, áp lực phía trước còn rất lớn nên mục tiêu vẫn phải hướng tới tăng tưởng tín dụng 14%. Nếu nhất quyết chọn lạm phát hay tăng trưởng kinh tế thì rất khó cho bên còn lại”, ông Thành nhấn mạnh.
Với bối cảnh như trên, TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho rằng, doanh nghiệp có thể phải tìm cách huy động tiền ở các thị trường vốn khác như chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp...
"Việc nới room tín dụng chắc chắn sẽ bổ sung thêm "oxy" cho nền kinh tế nhưng là không đủ. Về lâu dài vẫn cần sớm sửa Nghị định 153, quy định rõ hơn về điều kiện phát hành trái phiếu. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp không phụ thuộc quá nhiều vào kênh ngân hàng, mà có thể huy động vốn thông qua trái phiếu một cách minh bạch, lành mạnh", ông Lực nói.
Trong khi đó, Ông Don Lambert, Trưởng ban Phát triển Khu vực Kinh tế tư nhân, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) khuyến nghị Việt Nam cần phát triển hệ thống đánh giá xếp hạng tín nhiệm quy mô hơn. Khi có xếp hạng tín nhiệm, những doanh nghiệp mới cũng có thể thu hút nhà đầu tư trên thị trường trái phiếu.
"Hiện nay đã có nhiều đơn vị xếp hạng tín nhiệm toàn cầu và trong khu vực. Việt Nam muốn có những đơn vị xếp hạng tín nhiệm thành công cần học hỏi kinh nghiệm của các đơn vị này. Việc xếp hạng cần đảm bảo hoàn toàn minh bạch, khách quan, không bị ảnh hưởng bởi những ý kiến tác động của bên nào", ông Don Lambert nói.